Lào, xứ sở Triệu Voi, một đất nước yên bình và tươi đẹp với những cảnh đẹp sâu lắng và con người bình dị dễ gần. Với những nét văn hóa, khí hậu và ẩm thực tương đồng với Việt Nam, Lào là một điểm đến vừa gần gũi, lại vừa mang những đặc trưng mới lạ thu hút các tín đồ xê dịch. Trong đó có Cánh đồng Chum là địa điểm văn hóa lịch sử khá nổi tiếng của Lào. Cho đến ngày nay, sự ra đời và tồn tại của những chiếc chum đá vẫn luôn là bí ẩn đối với giới khảo cổ. Hãy cùng Indoco Travel chuẩn bị hành lý lên đường khám phá Cánh Đồng Chum đầy thơ mộng của đất nước Triệu Voi vô cùng xinh đẹp này bạn nhé.
Nhìn từ xa, Cánh đồng Chum như một bàn cờ, những chiếc chum như những quân cờ lổn nhổm thật kỳ thú. Khi đến gần mới thấy chúng nằm lẫn lộn vào nhau không theo quy luật sắp xếp nào. Cái trồi hẳn trên mặt đất, cái chìm một phần thân dưới đất và hình dạng cũng không điển hình. Cái thắt núm, cái miệng thẳng, cái vuông vức, cái lại như quả dưa và không cái nào giống cái nào.
Phần lớn chum cao chừng 1 đến 2m, nặng trung bình từ 600kg đến 1 tấn (cái lớn nhất cao 3,25m, cái nặng nhất tới 14 tấn). Tất cả đều được làm từ chất liệu đá, chủ yếu là đá granite.
Theo các nhà khảo cổ, những chiếc chum đầu tiên ra đời cách đây trên dưới 2.500 năm, thời điểm mà những công cụ bằng sắt sơ khai bắt đầu xuất hiện ở khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, những chiếc ra đời muộn nhất được phát hiện có niên đại cách đây ít nhất cũng 800 năm.
Tại địa điểm này có hàng trăm chiếc chum khác nhau, bên trong rỗng ruột và được tạo ra từ các khối đá cổ, đa phần không có nắp đậy.
Một bí ẩn khác khiến nhiều người muốn biết là làm thế nào để những chum đá lớn có thể được đưa đến vị trí hiện tại. Các nhà nghiên cứu cho rằng, có thể các chum xuất phát từ một mỏ đá cách Cánh đồng Chum 8km. Nhưng nền văn minh cổ đại làm sao để chuyển chum (có cái nặng 30 tấn) đến đây vẫn là ẩn số cần nghiên cứu.
Cánh đồng Chum là di sản thứ 3 của Lào được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2019 sau cố đô LuangPrabang và chùa đá Vatphu ở tỉnh Champasak.
Trong suốt những thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu cho rằng, các chum đá này được dùng trong cách chôn cất của người tiền sử. Truyền thuyết của địa phương cho thấy một số trong các chum cao 3m được dùng để đựng đồ ăn, rượu, nước mưa và những thứ khác.
Cánh đồng Chum không chỉ nổi tiếng với du khách trong nước và quốc tế với những câu chuyện huyền bí về nguồn gốc, mà còn là một địa danh lịch sử gắn liền với Liên minh chiến đấu Lào – Việt.