YOUR FIRST CHOICE FOR TRAVEL IN INDOCHINA​

Tìm kiếm:
loader
Ngày đi:
 - 

Khi đến Lào du lịch, du khách chắc chắn sẽ hiếu kỳ về tục buộc chỉ cổ tay của người dân xứ sở Triệu voi này. Lễ buộc chỉ cổ tay là một phong tục có từ rất lâu đời, mang nét đẹp về văn hóa về tinh thần của người dân xứ xở Triệu Voi.

Sou khoẳn – Lễ buộc chỉ tay là gì?

Lễ buộc chỉ cổ tay (còn gọi là lễ Sou khoẳn) là phong tục tập quán tâm linh gắn với đời sống của người dân Lào từ lâu đời; trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống của cả dân tộc; với những ý nghĩa đem lại sự bình an, may mắn cho người được buộc chỉ.

Lễ buộc chỉ cổ tay là một phong tục lâu đời mang đậm nét văn hóa của đất nước “Triệu Voi” để cầu phúc lành cho người được nhận lễ và thặt chặt hơn nữa tình cảm giữa hai bên.

Lễ buộc chỉ tay được tổ chức khi nào?

Lễ buộc chỉ cổ tay thường được người Lào tổ chức trong các dịp quan trọng, như: Bunpimay (Tết Lào), lễ cưới hỏi, ma chay, lễ tân gia… Lễ buộc chỉ tay của người Lào có nhiều ý nghĩa khác nhau, nếu được tổ chức vào dịp năm mới thì lễ buộc cổ chỉ tay để cầu may mắn cho bản thân và các thành viên trong gia đình; đối với đám cưới, lễ buộc chỉ cổ tay để chúc phúc cho cô dâu, chú rể; khi nhà có người ốm đau, gia đình tổ chức làm lễ để cầu sức khỏe cho người bị ốm; hay khi nhà có người mất thì họ hàng sẽ tổ chức lễ buộc chỉ cầu cho linh hồn được siêu thoát, con cháu được bình an…

Nghi thức tiến hành nghi lễ

Lễ buộc chỉ cổ tay gồm 2 phần chính là nghi thức cúng và nghi thức buộc chỉ. Theo phong tục, nghi lễ phải được tổ chức ở nơi trang trọng nhất trong nhà, cơ quan. Người chủ trì nghi lễ theo nguyên tắc là Mophon (thầy cúng), nhà sư, nhà sư đã hoàn tục hoặc các bậc cao niên có uy tín trong dòng tộc, dòng họ làm lễ buộc chỉ cổ tay. Để chuẩn bị mâm lễ cúng, quan trọng nhất là tháp chỉ, các sợi chỉ được buộc vào mâm cúng và đủ dài để người dự lễ có thể nắm được, xung quanh tháp chỉ có thể trang trí hoa, trên đỉnh có cắm một cây nến vàng; lễ vật cúng gồm trứng luộc, thịt lợn, nước, cơm nếp, bánh kẹo…

 

Chuẩn bị tiến hành lễ, tất cả những người tham dự sẽ ngồi xung quanh mâm cúng, khi tiến hành lễ, mỗi người tham dự sẽ dùng ngón cái của bàn tay trái kẹp một phần của sợi chỉ và truyền phần còn lại cho những người ngồi sau cứ thế kéo dài cho đến bao giờ hết sợi chỉ mới thôi. Ðến giờ lành, thầy cúng sẽ châm cây nến vàng trên đỉnh của mâm lễ và bắt đầu bài khấn, mọi người ngồi xung quanh mâm cúng, tay trái cầm sợi chỉ, tay phải chạm nhẹ vào mâm, những người ngồi xa, không với tới mâm thì vẫn chắp tay trái trước ngực, tay phải chạm nhẹ vào khuỷu tay của người ngồi phía trước để truyền lời nguyện của thầy cúng tới tất cả các thành viên. Khi cúng xong, thầy cúng cầm cuộn chỉ đã được chia thành nhiều đoạn buộc chỉ, đọc lời cầu phúc cho mọi người và phân phát cho người lớn, người cao tuổi để tiến hành buộc chỉ cổ tay cầu phúc, cầu an cho các con, cháu và khách tham dự lễ. Những người khác cũng lấy chỉ trên mâm cúng và buộc cho người khác để cầu phúc cho nhau. Theo quan niệm của người Lào, để những lời cầu chúc có hiệu nghiệm, người được buộc phải để sợi chỉ trên tay trong ít nhất ba ngày, không được tháo chỉ vì bất cứ lý do nào.

Lễ buộc chỉ cổ tay ngày nay là tục lệ phổ biến gần gũi, thân thiện không thể thiếu trên đất nước Lào. Nét đẹp văn hóa truyền thống này đã thật sự mang đến những tình cảm nồng ấm, niềm tin và nguồn động viên rất lớn về mặt tinh thần đối với người Lào trong cuộc sống, lao động sản xuất.

Tin Mới