YOUR FIRST CHOICE FOR TRAVEL IN INDOCHINA​

Tìm kiếm:
loader
Ngày đi:
 - 

Cánh đồng Chum là địa điểm văn hóa lịch sử khá nổi tiếng của Lào với hơn 1.960 cái chum lớn nhỏ, được phân bố tại 52 địa điểm khác nhau. Cho đến ngày nay, sự ra đời và tồn tại của những chiếc chum đá vẫn luôn là bí ẩn đối với giới khảo cổ.

1. Cánh đồng chum ở đâu?

Cánh đồng Chum thuộc tỉnh Xiêng Khoảng. Nằm ở đông bắc Lào, phía đông giáp tỉnh Nghệ An của Việt Nam, phía bắc giáp Luông Pha-bang và Hủa Phăn; phía tây – nam giáp Thủ đô Viêng Chăn, Xiêng Khoảng là vùng cao nguyên rộng lớn với diện tích gần 17 nghìn km2; và ở độ cao hơn 1.100 m so mực nước biển. Khí hậu quanh năm mát mẻ nơi đây cùng những đồng cỏ, đồi thông xanh ngút ngàn; xen lẫn những ruộng lúa, nương ngô đã làm cho Xiêng Khoảng có một vẻ đẹp  hoang sơ và thanh bình. Xiêng Khoảng nổi tiếng với Cánh đồng Chum, một di sản văn hóa của đất nước Lào tươi đẹp.

Cánh đồng Chum nằm giữa trung tâm tỉnh Xiêng Khoảng có các dòng sông lớn Nặm Ngừm, Nặm Nơn, Nặm Mặt; và nhiều khe suối nhỏ, nguồn nước trong suốt. Nơi đây còn nổi tiếng bởi hàng nghìn chiếc chum đá nằm rải rác dọc theo cánh đồng; thuộc cao nguyên Xiêng Khoảng cuối phía bắc dãy Trường Sơn. Những chiếc chum đá hàng nghìn năm tuổi như thách thức với thời gian, kiêu hãnh và huyền bí. Bởi cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào lý giải được chúng từ đâu tới; và được người xưa dùng để làm gì.

2. Kiến trúc

Cách đồng Chum ước tính có khoảng 1.969 chiếc chum, nằm rải rác tại 52 địa điểm ở tỉnh Xiêng Khoảng; chiếc lớn nhất được tìm thấy cao 3m, chiếc nặng nhất tới 14 tấn; còn phần lớn cao chừng 1 đến 2m. Hiện mới chỉ có ba điểm được đưa vào khai thác du lịch gồm Bản Ang, Lắt Sén và Bản Sua; các địa điểm khác phần vì quá ít, phần vì vẫn còn rất nhiều bom mìn còn sót lại trong chiến tranh chưa được rà phá; nên chưa mở cửa cho khách tham quan.

Những cái chum được tìm thấy ở đây có đủ kích cỡ, từ nhỏ to đến cao thấp và hình dạng cũng khác nhau: cái thắt núm, cái miệng thẳng, cái vuông vức, cái hình trụ, cái cao thon và không cái nào giống cái nào. Phần lớn cao chừng 1 đến 2m, nặng trung bình từ 600kg đến 1 tấn (cái lớn nhất cao 3,25m, cái nặng nhất tới 14 tấn). Tất cả đều được làm từ chất liệu đá, chủ yếu là đá granite. Một số chum được làm từ đá sa thạch có chứa thạch anh fenspat và mica. Bên trên mỗi chiếc chum còn có những khắc chạm theo hình dáng người hay động vật cùng một số biểu tượng khác. Người ta còn tìm thấy các tảng đá bằng gần những chiếc chum này, có lẽ là nắp đậy chum nhưng vì lý do nào đó, chúng đã bị loại bỏ hay dùng vào những mục đích khác. Hiện tại chỉ còn một cái chum duy nhất là có nắp.

Nhìn từ xa, Cánh đồng Chum như một bàn cờ; những chiếc chum như những quân cờ lổm nhổm thật kỳ thú. Khi đến gần mới thấy chúng nằm lẫn lộn vào nhau không theo quy luật sắp xếp nào. Cái trồi hẳn trên mặt đất, cái chìm một phần thân dưới đất. Hình dạng cũng không điển hình. Cái thắt núm, cái miệng thẳng, cái vuông vức, cái lại như quả dưa…

3. Những bí ẩn

Những câu chuyện của người Lào xoay quanh những cái chum đá cũng thật thú vị. Có truyền thuyết cho rằng những người khổng lồ đã từng định cư ở khu vực này; chính là chủ nhân của những cái chum khổng lồ kia. Truyền thuyết khác lại cho rằng, một vị vua cổ đại tên là Khun Cheung; đã tiến hành cuộc chiến chống lại kẻ thù. Sau khi thành công, ông đã cho làm những cái chum lớn để ủ men làm rượu; khao quân và ăn mừng chiến thắng. Cũng có ý kiến khác cho rằng, do Xiêng Khoảng nằm trên cao nguyên với hai mùa nắng mưa rõ rệt; khi mưa về thì thối đất còn nắng hạn đến cong queo. Vì vậy mà người xưa đã phải làm những cái chum khổng lồ để tích chứa nước…

Phần lớn chuyên gia khảo cổ tin chúng là những bình đựng di cốt. Năm 1930, một chuyên gia từ Pháp kết luận rằng chum đá liên quan tới nghi thức an táng thời tiền sử. Cuộc khai quật của các nhà khảo cổ Lào và Nhật trong nhiều năm đã giúp củng cố giả thuyết này khi phát hiện nhiều hài cốt, đồ bồi táng và gốm sứ quanh những chiếc chum đá.

Điều khó hiểu là những ngọn núi cách khu vực Cánh đồng Chum đến hàng chục cây số và để vận chuyển hay khắc đẻo các khối đá thành những cái chum to lớn như vậy chắc chắn phải qua một quá trình. Thực tế những cái chum này đã được làm vào những giai đoạn khác nhau, thậm chí cách nhau hàng thế kỷ. Cho đến nay, tuy có nhiều giả thuyết khác nhau được các nhà khảo cổ đưa ra để lý giải về nguồn gốc, vai trò của những cái chum ở Cánh đồng Chum, song những lý lẽ này đều chưa đủ sức thuyết phục và có thể đó sẽ là một bí ẩn không bao giờ tìm được lời giải đáp (!)…

4. Cánh đồng chum – di sản thế giới

Ngày 14/5/2019 Cánh đồng chum đã trở thành Di sản thế giới sau 20 năm chờ xét duyệt. Đây là di sản văn hóa thế giới thứ 3 của Lào được UNESCO (Uỷ ban Di sản Thế giới) công nhận.

Tin Mới